Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2021
Ngày 07 tháng 12 năm 2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ban hành Quyết định số 1750/QĐ-TCTK về việc tiến hành Điều tra lao động việc làm năm 2021 (sau đây viết tắt là Điều tra LĐVL 2021), kèm theo Phương án điều tra. Mục đích của cuộc điều tra nhằm thu thập các thông tin về tình trạng tham gia thị trường lao động năm 2021 của những người từ 15 tuổi trở lên hiện đang sống tại Việt Nam làm cơ sở tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về lao động, việc làm, thất nghiệp và thu nhập của người lao động. Qua đó giúp các cấp, các ngành đánh giá và dự báo tình hình biến động của thị trường lao động trên phạm vi cả nước giữa các quý trong năm cũng như với các cuộc điều tra lao động việc làm hàng năm đã tiến hành trước đây của Tổng cục Thống kê; xây dựng và hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực, kế hoạch sản xuất – kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường lao động.
Năm 2021, dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổng cục Thống kê đã tổ chức thu thập và tính toán các chỉ tiêu thống kê lao động việc làm áp dụng Khung khái niệm mới đã được các quốc gia thống nhất sử dụng tại Hội nghị quốc tế về thống kê lao động việc làm lần thứ 19 tổ chức vào tháng 10 năm 2013 tại Geneva, Thụy Sĩ. Khung khái niệm này có tên gọi chung là tiêu chuẩn ICLS 19 được ban hành để thay thế tiêu chuẩn ICLS 13, năm 1982. Tiêu chuẩn ICLS 19 ra đời thay thế tiêu chuẩn ICLS 13 trong bối cảnh tốc độ khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới đã chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường hiện đại với tình trạng phụ thuộc vào các sản phẩm tự cung tự cấp hầu như không đáng kể. Theo tiêu chuẩn mới ICLS 19, những người làm việc với mục đích sản xuất sản phẩm tự cung tự cấp trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ không được xác định là những người có việc làm như quy định trước đây của tiêu chuẩn ICLS 13. Tiêu chuẩn ICLS 19 được khuyến nghị sử dụng chung trên toàn thế giới với mục tiêu đảm bảo tính so sánh giữa các nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển khác nhau của tất cả các quốc gia.
Từ năm 2021, Tổng cục Thống kê sẽ chính thức công bố các chỉ tiêu thống kê về lao động việc làm dựa theo tiêu chuẩn ICLS 19. Hơn nữa, để đánh giá đầy đủ sự biến động của thị trường lao động qua thời gian, Tổng cục Thống kê sẽ đồng thời tính toán và công bố lại các chỉ tiêu thống kê lao động việc làm theo tiêu chuẩn ICLS 19 của các quý từ năm 2019 đến nay trong Báo cáo này làm căn cứ so sánh. Các thông tin về người lao động làm công việc tự sản tự tiêu trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng được ghi nhận và công bố trong Báo cáo này.
Báo cáo này sẽ trình bày các kết quả chủ yếu của cuộc Điều tra lao động việc làm năm 2021, nhằm cung cấp các thông tin về lao động và việc làm cho người sử dụng. Do phạm vi thu thập thông tin liên quan đến thị trường lao động của những người từ 15 tuổi trở lên hiện đang sống tại Việt Nam, vì vậy các chỉ tiêu về lao động và việc làm trong Báo cáo sẽ chủ yếu được tính cho nhóm người từ 15 tuổi trở lên. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đánh giá và phân tích thông tin về lao động và việc làm của nhóm người trong độ tuổi lao động (từ năm 2020 trở về trước: nam từ 15 đến hết 59 tuổi và nữ từ 15 đến hết 54 tuổi, năm 2021: nam từ 15 đến 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến 55 tuổi 4 tháng – theo Bộ luật Lao động 2019) nên Báo cáo này cũng sẽ trình bày một số chỉ tiêu lao động chủ yếu của nhóm đối tượng này. Số liệu được tổng hợp theo quý cho cấp toàn quốc và cấp vùng và theo năm cho cấp tỉnh/thành phố.
Cuộc Điều tra Lao động việc làm năm 2021 đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế. Tổng cục Thống kê đánh giá cao sự hỗ trợ này và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của ILO cho các cuộc điều tra tới.
Tổng cục Thống kê hy vọng báo cáo sẽ đáp ứng được những yêu cầu thông tin của các nhà hoạch định chính sách kinh tế – xã hội, những người làm công tác liên quan đến lao động và việc làm. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến xây dựng của bạn đọc để rút kinh nghiệm cho việc xuất bản các ấn phẩm sau ngày một tốt hơn.
Ý kiến đóng góp và thông tin chi tiết, xin liên hệ theo địa chỉ:
Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê, 54 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: +(84 24)73 046 666 (máy lẻ: 6688/8886/1603)
Fax: +(84 24) 73025656
Email: tkdsld@gso.gov.vn
PMI đạt trên 51 điểm, ngành sản xuất Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 51,2 điểm trong tháng 2, tăng so với mức mức 47,4 điểm trong tháng 1 cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài ba tháng… (01/03/2023)
PMI tháng 2/2023: Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng trở lại
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers' Index ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã tăng trở lại lên trên ngưỡng không thay đổi 50 điểm vào tháng 2, từ đó cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài ba tháng. Với kết quả 51.2 tăng so với mức 47.4 trong tháng 2 cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện nhẹ. (01/03/2023)
Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới
Chính phủ đã có Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (28/02/2023)
Tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong năm 2023, ngành y tế sẽ tập trung các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. (28/02/2023)
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. (27/02/2023)
Đề cương về văn hóa Việt Nam: Thể hiện ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc
Sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã kịp thời đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cách mạng; thể hiện ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc, trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ nhân dân ta, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng của Đảng, đóng góp quan trọng làm nên thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. (27/02/2023)
Xem thêm